Tháng 8 năm 1945 tại Tân Trào, Đặng Xuân Khu nghe tin Mỹ thả bom nguyên tử tại Nhật, liền nhân danh Tổng bí thư của ĐCSVN gởi thư mời họp đại hội các cựu đảng viên ĐCSĐD, với hy vọng gom góp được các ủy viên ban chấp hành Trung ương hoặc các Xứ ủy viên mới được tự do sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9-3-1945...

dcsvn1

Đại hội quốc dân tại Tân Trào

Tháng 8 năm 1945 tại Tân Trào, Đặng Xuân Khu nghe tin Mỹ thả bom nguyên tử tại Nhật, liền nhân danh Tổng bí thư của ĐCSVN gởi thư mời họp đại hội các cựu đảng viên ĐCSĐD, với hy vọng gom góp được các ủy viên ban chấp hành Trung ương hoặc các Xứ ủy viên mới được tự do sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9-3-1945 :

Khu vực Bắc Kỳ mời được Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn, hai ông mới được chính phủ Trần Trọng Kim thả vào tháng 7-1945; nhưng hai ông không phải là Xứ ủy viên. 

Khu vực Trung Kỳ mời Bí thư Xứ ủy Tôn Quang Phiệt và Xứ ủy viên Nguyễn Khoa Văn nhưng Nguyễn Khoa Văn sau khi được chính phủ Trần Trọng Kim thả thì vào Sài Gòn sống ẩn dật, còn Tôn Quang Phiệt do có xích mích với Đặng Xuân Khu từ thời 1928 nên không đi, cử một thanh niên tên là Nguyễn Chí Thanh đi thế.

Khu vực Nam Kỳ thì mời được Bí thư xứ ủy Hà Huy Giáp và Xứ ủy viên Ung Văn Khiêm.

Tính ra có tất cả 5 đại biểu đại diện cho 3 Kỳ đến dự Đại hội toàn quốc. Tại Tân Trào có sẵn Tổng bí thư Đặng Xuân Khu, Cố vấn Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Chu Văn Tấn, Ủy viên Trung ương Vũ Anh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Trần Đăng Ninh ( Thay Hoàng Văn Thụ chết năm 1944 ) và Xứ ủy viên Bắc Kỳ Hoàng Văn Hoan ( Được phong vào năm 1944 ).

Trong khi đại hội chưa khai mạc thì nhận được tin Nhật đầu hàng. Các ông vội chạy về Hà Nội để kịp cướp chính quyền. Trước khi đi thì soạn ra danh sách tân ban chấp hành Trung ương: Cho Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan và Võ Nguyên Giáp vào Ban chấp hành Trung ương. Lê Đức Thọ làm Thường vụ Trung ương, Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Hoan làm Ủy viên Trung ương.

Đặc biệt tân Ban chấp hành Trung ương kỳ này có hai khuôn mặt mới trong ĐCSĐD là Nguyễn Chí Thanh và Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Chí Thanh nguyên trước đó có hoạt động Cọng sản tại Huế , do Phan Đăng Lưu kết nạp nhưng chỉ là đảng viên thường. Đến khi Tôn Quang Phiệt bảo đi Tân Trào dự hội thì phong cho Thanh chức Bí thư tỉnh Thừa Thiên, là đại biểu duy nhất của Trung Kỳ dự đại hội. Thấy vậy Đặng Xuân Khu bèn phong cho Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.

Còn ông Võ Nguyên Giáp lúc đó là Tổng chỉ huy của đội tuyên truyền giải phóng quân, là người đang liên lạc trực tiếp với Thiếu tá tình báo Thomas của Hoa Kỳ, là thông dịch viên kiêm luôn huấn luyện viên của toán biệt kích Mỹ tại Tân Trào ( Tức là đội Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập ngày 22-12-1944 ở Pác Bó ).

Vì tính cách quan trọng của nhân vật Võ Nguyên Giáp cho nên Hồ Chí Minh, Đặng Xuân Khu và Hạ Bá Cang cùng nhau sắp xếp cho Võ Nguyên Giáp được vào Trung ương Đảng để có thể tham dự các buổi họp tổng khởi nghĩa sắp tới. Nói phao lên rằng ông Võ Nguyên Giáp vào Đảng năm 1940 tại Trung Quốc, do “Bác Hồ” kết nạp.

Thực ra theo hồi ký của ông Hoàng Văn Hoan thì năm 1944 ông Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng vẫn còn ở ngoài Đảng, chỉ giữ chức vụ “cố vấn” cho Tỉnh ủy Cao Bằng. Sở dĩ hai ông làm cố vấn tỉnh vì là cán bộ của Việt Minh Hội ( Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội ); nhưng hội này không phải là Cọng sản.

Tính ra đến ngày 16-8-1945 thì Ban chấp hành Trung ương ĐCS của Đặng Xuân Khu có 11 ông kể trên, do vì các đại gia Cọng sản đang còn nằm ở trong tù. Tuy nhiên sự thực lúc đó còn có các ông trùm Cọng sản thứ thiệt đang ở ngoài nhưng các ông không liên lạc được ( Hay không muốn liên lạc ). Đó là các ông:

(1) Bùi Công Trừng : Sinh viên tại Pháp, theo học khóa huấn luyện đầu tiên của học viện Stalin năm 1927-1928-1929 cùng với Trần Phú và 3 người nữa là Bùi Lâm, Ngô Đức Trì và Nguyễn Thế Rục. Năm người là chi bộ Cọng sản đầu tiên của Việt Nam, do Cọng sản Quốc tế thành lập. Tháng 8 năm 1945 Trừng là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ ( Do ông và Nguyễn Văn Trấn tái lập sau biến cố Nam Kỳ khởi nghĩa ).

(2) Bùi Lâm : Thợ in tại Pháp, theo học trường Stalin từ 1927-1929 cùng với Trần Phú. Bị tái tù năm 1939 khi Thế chiến bùng nổ. Tháng 8 năm 1945 mới được chính phủ Trần Trọng Kim tha khỏi tù Sơn La, đang sống ở Sài Gòn.

(3) Hồ Tùng Mậu : Người sáng lập ra An Nam Cọng sản Đảng vào năm 1929, đảng Cọng sản đầu tiên của người Việt Nam. Bị bắt năm 1931 tại Thượng Hải rồi bị dẫn độ về Việt Nam. Tháng 8 năm 1945 mới được chính phủ Trần Trong Kim tha khỏi tù Sơn La, đang sinh sống tại Ô Cầu Giấy, Hà Nội.

(4) Trương Văn Lệnh : Gia nhập Đảng Cọng sản Trung Hoa năm 1925, gia nhập đảng Cọng sản Việt Nam của Trần Phú năm 1930. Bị bắt tại Hồng Kông năm 1932, vượt ngục năm 1942. Tháng 8 năm 1945 đang sinh sống tại Thái Nguyên.

(5) Nguyễn Lương Bằng : Gia nhập ĐCSVN của Trần Phú Năm 1930, bị bắt tại Thượng Hải năm 1932. Vược ngục Sơn La năm 1943. Tháng 8 năm 1945 đang sinh sống tại Thái Nguyên.

(6) Trần Đình Long: Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin 1930-1932. Về nước sinh hoạt trong chi bộ ĐCS pháp tại Hà Nội. Tháng 8 năm 1945 đang sống bán hợp pháp tại Hà Nội.

(7) Nguyễn Thế Vinh : Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin năm 1926-1927. Về nước sinh hoạt trong chi bộ ĐCS Pháp tại Hà Nội. Tháng 8 năm 1945 đang sống bán hợp pháp tại Hà Nội.

(8) Nguyễn Hữu Cần (Phi Vân) : Gia nhập Đông Dương Cọng sản Đảng của Ngô Gia Tự năm 1929, sau đó chuyển thành ĐCSĐD. Theo học trường Stalin từ 1930 đến 1933. Bị bắt năm 1936. Được chính phủ Trần Trong Kim thả vào tháng 7 năm 1945. Tháng 8 năm 1945 đang cùng Hồ Tùng Mậu sống ở Ô Cầu Giấy, Hà Nội.

(9) Dương Bạch Mai : Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin 1929-1932. Về nước sinh hoạt trong chi bộ ĐCS Pháp tại Sài Gòn. Bị tái tù năm 1940, được tha năm 1943. Tháng 8 năm 1945 đang sống ở Biên Hòa.

(10) Nguyễn Văn Tạo : Sinh viên tại Pháp, tham gia Đảng Cọng sản Pháp và được bầu vào ban chấp hành Trung ương ĐCS Pháp năm 1928. Về nước sinh hoạt trong chi bộ ĐCS Pháp tại Sài Gòn.. Bị tái tù năm 1940, được tha vào tháng 2 năm 1945. Tháng 8 năm 1945 đang sống tại Chợ Lớn.

(11) Trần Văn Giàu : Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin năm 1930-1934. Về nước hoạt động trong chi bộ ĐCS Pháp tại Sài Gòn. Bị tái tù năm 1940, vượt ngục Tà Lài năm 1941 ( Theo lời kể của Trần Văn Giàu. Nhưng theo các lãnh tụ Hòa Hảo và Đệ Tứ Quốc tế thì Giàu được mật thám Pháp thả ra để làm có mồi bắt nốt những cán bộ Cọng sản còn hoạt động ở bên ngoài ). Tháng 8 năm 1945 đang sống ở Đồng Tháp nhưng hoạt động bí mật ở Sài Gòn.

(12) Nguyễn Văn Trân : Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin năm 1927-1929. Về nước hoạt động trong chi bộ ĐCS Pháp tại Sài Gòn. Tháng 8 năm 1945 đang sinh sống tại Cần Giuộc, Long An.

(13) Võ Nguyên Hiến : Ủy viên Ban chấp hành Trung ương trong kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ 1 tại Ma Cao ( Trong khi đó Nguyễn Tất Thành chỉ là Ủy viên dự khuyết ). Bị tái tù năm 1939, được tha vào tháng 7 năm 1945. Tháng 8 năm 45 đang sống tại làng Hậu Luật tỉnh Nghệ An.

Dưới con mắt nhìn của CSQT thì những người từng theo học trường Stalin kể trên có thành tích và trình độ hơn hẳn ông Nguyễn Tất Thành, bởi vì ông Thành cùng với Hoàng Văn Nọn, Nguyễn Thị Minh Khai theo học trường Stalin khóa chót vào năm 1935-1937, khóa này dành cho những cán bộ vùng Viễn Đông kém văn hóa nhưng đã có thành tích hoạt động mà ngày nay người ta gọi là khóa “chuyên tu”.

Nguyễn Khánh Toàn là giáo sư của Trường Stalin vào thời đó đã xác nhận trên tạp chí Người Cọng Sản : “Bác rất khiêm tốn, xuống học lớp dưới, chan hòa với các sinh viên các nước thuộc địa Châu Á để tìm hiểu tình hình…” (Bùi Tín, Mặt thật, trang 66).

Và hồi ký của Hoàng Tùng : “Khoảng năm 1935, ở tù cùng với Phi Vân, tôi hỏi Phi Vân nhận xét về Nguyễn Ái Quốc. Vân nói ông già này không có gì đâu, ở nhà cứ tưởng là nhân vật quan trọng lắm, chứ ông ta dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém. Đó là cách nhận định về Bác của mấy người đi Liên Xô về” ( Hoàng Tùng, Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ ).

Ngoài 13 ông Cọng sản “bề thế” kể trên, còn có hằng trăm ông Cọng sản khác với thành tích bề thế hơn nhiều đang nằm trong các trại tù Côn Sơn, Malagasca, Sơn La, Lao Bảo, Ban Mê Thuột. So với họ thì Tổng bí thư Đặng Xuân Khu chẳng ra gì. Vì vậy sau khi cướp được chính quyền Đặng Xuân Khu và Hạ Bá Cang không hề cho lệnh rước các ông từ Côn Đảo trở về.

Phải đợi 1 tháng sau thì ông Bùi Công Trừng mới nhờ một ông Quốc dân Đảng là Tưởng Dân Bảo đem tàu ra rước các đại gia trở về. Nhưng khi các ông về tới nơi vào ngày 19-9-1945 thì Đặng Xuân Khu đang nắm trọn quyền lực tại Miền Bắc và Hạ Bá Cang đang nắm toàn bộ quyền lực tại Miền Nam.

Hồ Chí Minh giải tán ĐCSVN của Đặng Xuân Khu

Đến tháng 10 năm 1945 Bùi Công Trừng dẫn đầu các ông Côn Đảo và các ông Cọng sản Miền Nam kéo nhau ra Bắc đòi họp đại hội để bầu lại Ban chấp hành Trung ương ĐCSĐD; bởi vì năm 1938 Trừng ra khỏi Côn Đảo được Lê Hồng Phong chỉ định ra Bắc lãnh đạo ĐCSĐD tại Bắc Kỳ, thay thế Nguyễn Thế Rục mới chết vì bệnh lao, lúc đó Đặng Xuân Khu chỉ là Ủy viên của ban tuyên truyền của ĐCSĐD tại Hà Nội; nghĩa là một người sai vặt của Nguyễn Thế Rục và Bùi Công Trừng; không thể nào 1 năm sau đã trở thành Tổng bí thư của ĐCSĐD trong khi tất cả các Ủy viên Trung ương đều nằm trong tù.

Bùi Công Trừng kết luận ĐCSVN của Đặng Xuân Khu là ĐCS tân lập chứ không phải là ĐCSĐD của Trần Phú cho nên hô hào mọi người không công nhận. Nội vụ đang còn tranh chấp thì vào ngày 11-11-1945 ông Hồ Chí Minh vận động ĐCSVN của Đặng Xuân Khu tự giải tán mặc dầu Khu cực lực phản đối ( Hồi ký của Hoàng Tùng ). Có 3 ông trùm Cọng sản khác là Trương Văn Lệnh, Trần Đình Long và Nguyễn Thế Vinh đứng ra hô hào chống lại lệnh giải tán ĐCS nên bị mật vụ của HCM thủ tiêu.

Sau khi ĐCSVN của ĐXK bị giải tán thì mọi quyền lực của Mặt trận Việt Minh nằm trong tay Việt Minh Hội của ông Hồ Chí Minh : Ông Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng bộ Nội Vụ, Bùi Đức Minh là Thứ trưởng ( Ông Minh là người của nhóm Thiết Huyết là một chi nhánh của Việt Nam Quốc dân Đảng ). Ông Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền, Trần Ngọc Tuân là Thứ trưởng ( Ông Tuân cũng là người của nhóm Thiết Huyết). Ông Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chánh, ông Nguyễn Lương Bằng là Thứ trưởng .

Về phần ĐCSVN thì trở thành “Nhóm nghiên cứu học thuyết Mác Lê”, phụ giúp chính phủ Việt Minh trong công tác tuyên truyền. Lúc chính phủ Việt Minh bị Pháp trở mặt đánh đuổi chạy lên chiến khu Việt Bắc vào cuối năm 1946 thì Đặng Xuân Khu viết báo dưới bút hiệu Trường Chinh ( Lấy tên từ chiến công Vạn Lý Trường Chinh của Mao Trạch Đông ) và Hạ Bá Cang viết báo dưới bút hiệu Hoàng Quốc Việt.

Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp 1946-1954 thì chính phủ Việt Minh của ông HCM trú tại Tuyên Quang. Nhóm nghiên cứu học thuyết Mác Lê của Đặng Xuân khu trú tại Thái Nguyên, được sự nuôi ăn giúp đỡ rất lớn của bà địa chủ Nguyễn Thị Năm. Ngoài công tác viết báo, Đặng Xuân Khu chú tâm dịch 2 cuốn sách của Mao Trạch Đông là cuốn Tân Dân Chủ và cuốn Trì Cửu Chiến Luận.

Sau khi hai cuốn sách được in ra, Đặng Xuân Khu gởi tặng Mao Trạch Đông và được Mao khen ngợi là đã thông suốt đường lối Mác-Lê. Từ đó Khu bỏ tên Đặng Xuân Khu và lấy tên Trường Chinh làm tên chính thức trên giấy tờ của mình. Hạ Bá Cang thấy vậy cũng bỏ tên Hạ Bá Cang mà đổi tên trên giấy tờ thành Hoàng Quốc Việt.

BÙI ANH TRINH

Next Post Previous Post