Tháng Tư năm 1950 Mao Trạch Đông cử một đoàn cố vấn chính trị do La Quý Ba cầm đầu sang Việt Nam để chuẩn bị công tác triệu tập đại hội thành lập lại Đảng Cọng sản Việt Nam.  Đến tháng 2 năm 1951 đại hội diễn ra tại Tuyên Quang.  Danh sách các đại biểu tham dự hội nghị đều do Trường Chinh sắp đặt. Nhờ đó mà các ông Hồ Tùng Mậu, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm,....

dcsvn

Sau khi thế chiến lần 2 kết thúc, các nước Đồng Minh gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Hoa ngồi lại phân chia thế giới theo trật tự mới.  Tuy nhiên lãnh đạo nước Nga là Stalin không chấp nhận lối phân chia mới nghiêng phần lợi về cho nước Mỹ.  Do đó khối Đồng Minh bắt đầu tan rã, Stalin hô hào chống lại “tay đầu sỏ đế quốc kiểu mới” là Mỹ.

Stalin viện trợ vũ khí cho Đảng Cọng sản Trung Hoa của Mao Trạch Đông chống lại chính quyền Tưởng Giới Thạch.  Cuối cùng vào tháng 10 năm 1949 Mao Trạch Đông chiếm được toàn bộ nước Trung Hoa, đuổi chính phủ Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan.  Sau đó đổi tên nước Trung Hoa thành Trung Quốc.

Tháng Giêng năm 1950 Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai sang Mạc Tư Khoa để cùng Stalin vạch lại kế hoạch phát triển chủ nghĩa Cọng sản tại Á Châu.  Trong bàn bạc có đề cập tới nhân vật Cọng sản đang lãnh đạo một chính phủ kháng chiến tại Việt Nam là Hồ Chí Minh.  Stalin bèn cho gọi HCM sang Mạc Tư Khoa ( Hồi ký Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương ĐCSVN ).

Tại Mạc Tư Khoa, theo hồi ký của Hoàng Tùng và hồi ký của Võ Nguyên Giáp;  Stalin chỉ thị cho ĐCSVN phải chịu sự chỉ huy và yểm trợ của Mao Trạch Đông.  Trước tiên là phải phục hồi lại đảng Cọng sản của Trường Chinh và sau đó là phải tiến hành cách mạng cải cách ruộng đất.  Chiếm được lãnh thổ tới đâu thì thực hiện cải cách ruộng đất tới đó.  Đặc biệt hồi ký Hoàng Tùng cho biết Stalin không chấp nhận HCM làm Tổng bí thư của ĐCSVN ( Nguyên văn : “Nếu bác làm Tổng bí thư thì Liên Xô sẽ gây chuyện” ).

Mao Trạch Đông lập lại ĐCSVN

Tháng Tư năm 1950 Mao Trạch Đông cử một đoàn cố vấn chính trị do La Quý Ba cầm đầu sang Việt Nam để chuẩn bị công tác triệu tập đại hội thành lập lại Đảng Cọng sản Việt Nam.  Đến tháng 2 năm 1951 đại hội diễn ra tại Tuyên Quang.  Danh sách các đại biểu tham dự hội nghị đều do Trường Chinh sắp đặt.

Nhờ đó mà các ông Hồ Tùng Mậu, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Xuân Thủy, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thị Thập …mới được bầu vào Ban chấp hành Trung ương.

Cũng trong đại hội này Nguyễn Chí Thanh được chính thức bầu vào Ban chấp hành Trung ương nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn chưa được vào Trung ương ( Hồi ký Đường Tới Điện Biên Phủ của Võ Nguyên Giáp.  Trong hồi ký ông chỉ viết rằng ông không tham dự mấy ngày cuối của Đại hội, có nghĩa là ông không tham dự bầu bán Ban chấp hành.  Dĩ nhiên không tham dự bầu bán thì không được bầu vào Ban chấp hành ).

Và cũng từ đó thì “con đường sự nghiệp Đảng” của VNG rất là gian nan vất vả, mặc dầu ông là cánh tay mặt của ông Hồ Chí Minh.  Trong khi đó nhân dân Việt Nam cứ tưởng Võ Nguyên Giáp là rường cột của ĐCSVN.  Sở dĩ VNG còn được lưu lại vị trí Tổng tư lệnh quân đội vì HCM vin vào lý do bên Liên Xô Tướng Jukov là ông tướng của Nga Hoàng vẫn làm Tổng tư lệnh Hồng quân Liên Xô.

Đại hội quyết định lấy tên đảng mới là Đảng Lao Động Việt Nam.  Sở dĩ phải lấy tên là Đảng Lao Động bởi vì các ông đang còn tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng.  Nhưng dân chúng Việt Nam rất sợ chế độ Cọng sản.  Tấm gương do các nạn nhân của chế độ Mao Trạch Đông chạy sang Việt Nam đã cho người Việt biết rằng chế độ Cọng sản là một chế độ tàn bạo, phi nhân, phi nghĩa; trên không có Trời Phật, dưới không có quốc gia dân tộc, không có cha con vợ chồng. ( Vô gia đình, vộ tổ quốc, vô tôn giáo ).

Chiến dịch cải cách ruộng đất

Theo như chỉ thị của Stalin năm 1950 thì HCM phải cho thực hiện cải cách ruộng đất ngay trong vùng chiến khu Việt Bắc là vùng chiếm đóng của Việt Minh.  Nhưng ông HCM và các ông lãnh đạo Đảng biết rằng nếu thực hiện chế độ cải cách ruộng đất thì lộ mặt chính phủ Việt Minh là chính phủ Cọng sản, sẽ không có ai theo và nhân dân sẽ bỏ chạy về vùng Tự Do của chính phủ Bảo Đại.

Rồi sau 2 năm không thấy HCM thực hiện lời hứa, năm 1952 Stalin lại cho gọi HCM sang Mạc Tư Khoa và bắt phải thực thi cải cách ruộng đất.

Đầu năm 1953 HCM tiếp nhận đoàn cố vấn cải cách ruộng đất của Mao Trạch Đông do Kiều Hiểu Quang làm trưởng đoàn, nhân sự của đoàn cố vấn rải tời từng xã trong vùng Việt Minh.  Tại mỗi xã đoàn cố vấn mở lớp tập huấn cho cán bộ CSVN thi hành chiến dịch cải cách.

Ngày 19-12-1953 HCM ký sắc lệnh cho thực hiện thì điểm cải cách ruộng đất tại tỉnh Thái Nguyên là nơi đang có Trung ương ĐCSVN cư ngụ.  Người địa chủ đầu tiên bị đưa ra hành hình là bà Nguyễn Thị Năm, người đã cưu mang nhóm lãnh đạo CSVN từ năm 1946.

Tháng 4 năm 1954 tin tức về các cuộc đấu tố hành hình trong vùng Việt Minh lấn át luôn tin tức ác liệt của trận Điện Biên Phủ.  Đến tháng 7, đang khi diễn ra hội nghị Geneve thì đã có 25.000 người tị nạn Cọng sản đã chạy về được tới Hà Nội, 15.000 người về tới Hải Phòng và 5.000 người về tới Kiến An – Hải Dương.  Những người tị nạn choán hết các nhà ga, bến xe, bến tàu và dựng lều ngủ ở giữa đồng. Tại Hà nội thì dân tị nạn chiếm Nhà Hát Lớn và nhà dòng Chúa Cứu Thế. Cuối tháng 7, đã có 20.000 người dân trong tỉnh Thái Bình trốn thoát đến vùng do Quân đội Quốc Gia kiểm soát.

Hiệp định Geneve ký ngày 20-7-1954 cho phép những người nào ở phía Bắc vĩ tuyến 17 mà không thích sống với chế đố Cọng sản thì có quyền di cư vào Nam với sự giúp đỡ phương tiện của Liên Hiệp Quốc.  Có gần 1 triệu người Miền Bắc đã xin phương tiện của LHQ để di cư vào Nam, chưa kể những người dùng phương tiện tự túc di chuyển bằng đường bộ qua sông Bến Hải.  Những người tị nạn phải trốn lánh mới đào thoát được tới các địa điểm tiếp nhận của LHQ chứ không phải là đi công khai.

Sau hiệp định Genève

Năm 1954, tháng 10, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn quân vinh quang trở về Hà Nội và bắt đầu trình diễn tự đánh bóng mình trước dân chúng.  Tuy nhiên đằng sau lưng của ông là Tổng Bí thư Trường Chinh và đằng sau Trường Chinh còn có hai cố vấn vĩ đại là La Quý Ba và Kiều Hiểu Quang.  Lúc này thì cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh đã về Trung Quốc, để cho Đại Tướng Võ Nguyên Giáp hưởng trọn những lời tung hô về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Năm 1954, ngày 23 tháng 10, tiến hành đợt 2 Cải cách ruộng đất tại 22 xã thuộc tỉnh Thái Nguyên, 100 xã thuộc tỉnh Phú Thọ, 22 xã thuộc tỉnh Bắc Giang, 65 xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 66 xã thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1955, ngày 8 -2, tiến hành đợt 3 Cải cách ruộng đất tại 106 xã tại tỉnh Phú Thọ, 84 xã thại tỉnh Bắc Giang, 65 xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, 22 xã thuộc Sơn Tây, 115 xã thuộc Thanh Hóa và 74 xã thuộc tỉnh Nghệ An.

Năm 1955, ngày 27-6, tiến hành đợt 4 Cải cách ruộng đất tại 17 xã thuộc tỉnh Phú Thọ, 1 xã tại Bắc Giang, 111 xã thuộc Vĩnh Phúc, 60 xã thuộc Bắc Ninh, 71 xã thuộc Sơn Tây, 98 xã thuộc Hà Nam, 47 xã thuộc Ninh Bình, 207 xã thuộc Thanh Hóa, 5 xã thuộc Nghệ An, 227 xã thuộc Hà Tĩnh.

Năm 1955, ngày 25-12, tiến hành đợt 5 Cải cách ruộng đất tại 8 xã Bắc Ninh, 45 xã Ninh Bình, 163 xã Nghệ An, 6 xã Hà Tĩnh, 118 xã Quảng Bình, 21 xã Vĩnh Linh, 217 xã Hải Dương, 149 xã Hưng Yên, 294 xã Thái Bình, 83 xã Kiến An, 47 xã Hà Nội, 9 xã Hải Phòng, 40 xã Hồng Quảng.

Năm 1956, ngày 30-7, trước cao trào nhân dân đồng loạt nổi lên chống lại phong trào Cải cách ruộng đất, ĐCSVN ra lệnh chấm dứt giai đoạn 5 Cải cách ruộng đất và cho thi hành biện pháp sửa sai. Tổng kết: đã thực hiện Cải cách tại 3.314 xã, thuộc 22 tỉnh, trong thời gian 3 năm, gồm 2.435.518 gia đình với 10.699.504 nhân khẩu. Tổng số các ông đội cải cách (cán bộ nòng cốt của Đảng) được huy động vào chiến dịch là 48.818 người.

Năm 1956, ngày 18-8, Hồ Chí Minh gởi thư cho đồng bào nông thôn nhìn nhận có những sai lầm trong cải cách ruộng đất và thông báo:  Trung ương Đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm khuyết  điểm ấy, và đã có kế hoạch sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất.

Cán bộ Trung Quốc rút về, Hồ Chí Minh hất cẳng Trường Chinh.

Năm 1956, ngày 24-8, nhật báo Nhân Dân nhìn nhận hậu quả của Cách mạng cải cách ruộng đất:  “Anh em trong cùng một gia đình không còn dám đến thăm nhau, và dân chúng không dám chào hỏi khi gặp nhau ngoài đường phố”.

Năm 1956, ngày 29-9, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng họp trong 1 tháng để kiểm điểm những sai lầm và đề ra phương pháp sửa sai. Trường Chinh từ chức Tổng bí thư.  Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương bị loại ra khỏi Bộ chính trị, Hồ Việt Thắng bị loại ra khỏi ban chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1956, ngày 29-10, tại một cuộc mít tinh tại sân vận động Hàng Đẫy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chủ tịch đọc báo cáo của hội nghị Trung ương ĐCSVN chính thức công nhận những sai lầm trong Cải cách ruộng đất.

  • Chú gải :  Sau này có rất nhiều nhà nghiên cứu chính trị thắc mắc là tại sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người không dính dáng gì đến chính trị lại đứng ra nhận khuyết điểm thay cho ĐCSVN ?  Việc này sẽ làm tổn hại tới hình ảnh đẹp của người hùng Điện Biên Phủ?

Tuy nhiên sự thật của việc này là do Hồ Chí Minh lợi dụng sự phẩn nộ của dân chúng để từ chối sự can thiệp của cán bộ Trung Quốc, đồng thời dùng quân đội của Võ Nguyên Giáp làm áp lực đẩy Trường Chinh, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt và phe đảng của Trường Chinh ra khỏi trung tâm quyền lực.

Sau khi chấm dứt ảnh hưởng của phe thân Trung Quốc, ông HCM giao cho Võ Nguyên Giáp liên lạc với Đại sứ của Liên Xô là Séc Ba Cốp để tiến hành cách mạng vô sản theo chiều hướng xét lại của Krushcheve.  Do đó HCM đưa Võ Nguyên Giáp ra để gián tiếp tuyên bố rằng quân đội với Đảng là một, và đất nước đang đặt trong tình trạng quân quản do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Nhờ biến cố này mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng được đưa vào Bộ Chính Trị của ĐCSVN thay thế Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương.  Rốt cuộc thì cánh Đồng Minh Hội là Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan đã thực sự khống chế được trung tâm quyền lực của ĐCSVN.  Lâu nay do áp lực của La Quý Ba các ông phải ẩn nhẫn chịu lép vế.

BÙI ANH TRINH

Next Post Previous Post